Khẩn trương xây dựng Đề án đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, đề xuất Chính phủ xây dựng một đề án quốc gia với các nội dung cụ thể, bao gồm mục tiêu, lộ trình thực hiện.
Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 91-KL/TW. Trong đó nêu rõ: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học...".
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực để xây dựng dự thảo Đề án từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045, bước đầu xin ý kiến tham vấn của các bên.
Về khái niệm, điều này có nghĩa là tiếng Anh được dạy và học tại các trường mà ngôn ngữ chính thức là tiếng Việt, nhưng thứ tiếng được sử dụng chính là tiếng Anh. Tiếng Anh là một môn học, đồng thời được dùng để dạy các môn khác và ứng dụng trong làm việc, giao tiếp hàng ngày.
Bộ dự kiến có 6 cấp độ triển khai, nhưng chưa công bố chi tiết.
Mục tiêu đến năm 2035, tất cả trường mầm non có đủ điều kiện và triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, 100% trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi được thụ hưởng. Với cấp phổ thông, tất cả được học chương trình này, theo cấp độ 1, 2, 3. Ở bậc đại học tương tự, áp dụng ở cấp độ 4, 5, 6.
Với giáo dục nghề nghiệp, 100% trường có chương trình môn Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp.
Đến năm 2045, tất cả trẻ em được thụ hưởng chương trình. Toàn bộ trường phổ thông triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai theo cấp độ 4, 5, 6.
Dự thảo cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, gồm nghiên cứu và hoàn thiện thể chế; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân; phát triển và đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên; ban hành, triển khai chương trình, sách giáo khoa, tài liệu...

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói con người là yếu tố quan trọng nhất. Ông nhấn mạnh vai trò của giáo viên, giảng viên và việc đào tạo đội ngũ. Ngoài ra là áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để giải quyết khoảng cách vùng miền, tiết kiệm thời gian, nhân lực.
"Chúng ta cũng phải học hỏi kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phù hợp với đặc điểm giáo dục Việt Nam, sử dụng nguồn lực hiệu quả, đào tạo giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thu hút xã hội hóa để triển khai đề án", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dù “từng bước” nhưng cần phải nhanh chóng thực hiện Đề án, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, vai trò của ngoại ngữ rất quan trọng để hội nhập sâu rộng.
“Tinh thần triển khai khẩn trương, nghiêm túc, dù thời gian ngắn nhưng phải làm thật bài bản” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tiêu điểm
Liên hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN GIA ĐÌNH MỚI
Giấy phép thiết lập MXH số …/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày….
Chịu trách nhiệm: Nguyễn Quyết
Hotline:
Địa chỉ:
Văn phòng làm việc:
Email: [email protected]