Chọn trường cho con: “Cấp 1 chọn Cô, cấp 2 chọn Lớp, cấp 3 chọn Trường” – Liệu có đúng?
Quan điểm “Cấp 1 chọn cô, cấp 2 chọn lớp, cấp 3 chọn trường” được nhiều phụ huynh truyền tai nhau như một “kim chỉ nam” trong hành trình chọn trường cho con. Nhưng trong bối cảnh giáo dục hiện nay, liệu cách nhìn này còn phù hợp?
Công thức chọn trường… truyền miệng
“Cấp 1 chọn cô”, “Cấp 2 chọn lớp”, “Cấp 3 chọn trường” – công thức này từ lâu đã được xem là nguyên tắc vàng của nhiều phụ huynh thành thị.
Cấp 1 chọn cô: Cấp 1 là giai đoạn trẻ làm quen với việc học, do đó vai trò của giáo viên chủ nhiệm vô cùng quan trọng. Giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà còn rèn luyện cho trẻ những thói quen học tập, tính cách và kỹ năng xã hội.
Cấp 2: Trẻ bắt đầu định hình tính cách, là giai đoạn học sinh bắt đầu chuyên sâu vào các môn học quan trọng như Toán, Văn, Anh. Việc chọn lớp phù hợp có thể giúp học sinh phát huy khả năng tối đa.
Cấp 3: Giai đoạn nước rút hướng tới đại học, nên chọn trường “top”, có bề dày thành tích và tỷ lệ đỗ đại học cao.
Chị Nguyễn Thảo (Hà Đông, Hà Nội), phụ huynh có hai con đang học cấp 1 và cấp 3, chia sẻ:
“Con đầu tôi chọn trường theo công thức đó, và mọi thứ diễn ra khá ổn. Nhưng đến đứa thứ hai thì… tôi bắt đầu thấy công thức này không còn ‘chuẩn’ như trước”.
Giáo dục đã thay đổi – công thức có còn đúng?
Trong một môi trường giáo dục đang chuyển mình mạnh mẽ, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cách chia “Cô – Lớp – Trường” không còn đủ bao quát để phụ huynh đưa ra quyết định sáng suốt.
Cấp 1 là giai đoạn hình thành nền tảng học tập và cảm xúc. Một cô giáo giỏi là quan trọng, nhưng môi trường tổng thể – bao gồm triết lý giáo dục, cách trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, dạy kỹ năng sống – cũng rất cần thiết.
Ngày nay, nhiều trường tiểu học đã ứng dụng các phương pháp tiên tiến như Montessori, STEAM, Dạy học dự án (PBL)… Điều đó cho thấy việc chọn trường dựa vào triết lý giáo dục tổng thể mới là yếu tố bền vững hơn việc chỉ “chọn cô”.

Với cấp 2, phổ biến tâm lý phụ huynh muốn "chọn lớp" vì mong muốn con học cùng bạn giỏi, cô tốt, thầy nghiêm. Nhưng chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Hòa cho rằng: “Lớp chọn chưa chắc đã phù hợp với mọi học sinh. Con bạn có thể học giỏi, nhưng nếu bị áp lực cạnh tranh liên tục, không được chú trọng cảm xúc – thì việc ‘chọn lớp’ có thể phản tác dụng”.
Bên cạnh đó, môi trường toàn trường (các hoạt động ngoại khóa, định hướng giá trị sống, quan hệ giữa các thầy cô…) cũng ảnh hưởng mạnh đến tâm lý lứa tuổi đang “ẩm ương” nhất.
Còn với cấp 3, thầy Thầy Nguyễn Quốc Toản – Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội – cho rằng các phụ huynh “Chọn trường” nhưng đừng chọn theo… đám đông.
Ở cấp học này, chọn trường đúng có thể giúp học sinh mở ra cơ hội thi đại học, định hướng nghề nghiệp. Nhưng chọn sai – nghĩa là vào một trường quá sức, hoặc không phù hợp với năng lực và mục tiêu cá nhân – sẽ tạo ra căng thẳng kéo dài.
“Chọn trường cấp 3 không thể chạy theo thương hiệu. Phụ huynh cần xem năng lực học sinh đến đâu, con có thiên hướng gì – học thuật, nghệ thuật, công nghệ… Rồi từ đó chọn môi trường nuôi dưỡng được năng lực ấy.”
Hãy lấy trẻ làm trung tâm
Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Hòa cho rằng, công thức “cấp 1 chọn cô, cấp 2 chọn lớp, cấp 3 chọn trường” không sai, nhưng đã không còn đủ. Trong thời đại giáo dục cá nhân hóa và đa dạng lựa chọn, việc chọn trường cần bắt đầu từ đứa trẻ – với sự đồng hành tỉnh táo và lắng nghe từ cha mẹ.
Trường tốt chưa chắc đã là trường phù hợp với con. Trường có thành tích cao chưa chắc đã nuôi dưỡng được sự phát triển toàn diện cho từng đứa trẻ. Do đó, thay vì “chọn cô, chọn lớp, chọn trường”, các phụ huynh nên chọn trường cho con theo định hướng “lấy trẻ làm trung tâm”. Tức là: con cần gì, con phù hợp với kiểu trường nào, con mong muốn điều gì khi đến trường...
"Lấy trẻ làm trung tâm là đặt nhu cầu – năng lực – tính cách – sở thích của trẻ làm trọng tâm khi lựa chọn và quyết định. Phụ huynh vẫn là người đồng hành, định hướng – nhưng không áp đặt.
Không nên chỉ nhìn vào điểm số hay lời quảng cáo, hãy đưa con đến tham quan, dự lớp học trải nghiệm (nếu có). Quan sát thái độ, cảm xúc của con khi tiếp xúc với môi trường mới, để từ đó cùng con trao đổi, quyết định".

Tiêu điểm
Liên hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN GIA ĐÌNH MỚI
Giấy phép thiết lập MXH số …/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày….
Chịu trách nhiệm: Nguyễn Quyết
Hotline:
Địa chỉ:
Văn phòng làm việc:
Email: [email protected]